Thực phẩm sạch hiểu theo nghĩa đơn giản là thực phẩm không chứa chất bẩn, an toàn, tốt cho sức khỏe con người. Thực phẩm sạch được đánh giá từ quá trình sản xuất, nuôi trồng cho đến khâu bảo quản, vận chuyển và phân phối. Thực phẩm sạch cần đảm bảo các yếu tố sau:

1. Không chứa tồn dư thuốc BVTV, hóa chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Điều này có nghĩa là thuốc BVTV hóa học vẫn được phép sử dụng trước đó khi cần thiết để sản xuất thực phẩm sạch nha các bác.

2. Không chứa tạp chất (kim loại, thủy tinh, vật cứng …). Chắc không ai muốn trong bó rau lại lẫn vài mảnh kim loại hay thủy tinh đâu nhỉ ?

3. Không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng).

4. Có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng.

5. Được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về ATTP.

Mình cũng xin nói luôn là để phân biệt thực phẩm an toàn và sạch hay không mà dựa vào luật thì… chẳng ăn thua. Bạn đọc luật như vậy, cũng rõ ràng, dễ hiểu, bạn biết thế nhưng làm sao mà bạn biết được thực phẩm sạch như thế nào nếu chỉ nhìn, ngửi, sờ … mà không có công cụ xét nghiệm? Vậy nên, chẳng có cách nào tốt bằng cách bạn tự trang bị kiến thức thực tế để bảo vệ mình và gia đình.

Trước tiên, hãy tìm hiểu một cách tương đối về nguồn gốc thực phẩm: việc tự tìm hiểu tất nhiên chỉ đạt được ở mức độ tương đối thôi, chẳng hạn thịt lợn đó do hàng xóm ở quê nhà bạn nuôi, vậy người hàng xóm đó có dùng thức ăn chăn nuôi sạch không, chuồng trại như thế nào, nguồn nước gần đó có sạch không, có tiêm phòng đúng quy định….vv. Hay thực phẩm do một công ty cung cấp, vậy thì bạn có thể tìm hiểu tư cách pháp nhân và các thông tin về công ty đó.

Thứ 2, đừng đợi cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc và công bố cho bạn rồi mới quyết định, lúc đó có khi bạn đã ăn một khối lượng kha khá thực phẩm không an toàn rồi.

Thứ 3, mua thực phẩm được cung cấp bởi những nhà cung cấp lớn và đáng tin cậy, có tiếng và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thứ 4, nhìn, ngửi, sờ: Đây là cách phổ biến của những người nội trợ thường xuyên, được tích lũy bằng kinh nghiệm. Cách làm này không phải chính xác 100% nhưng tôi thấy rằng sẽ rất có hiệu quả nếu bạn là người nội trợ giỏi và tinh ý. Vậy nên không phải ai cũng làm được điều này, phải tùy vào khả năng của bạn và học hỏi kinh nghiệm ở những người xung quan nữa. Nếu bạn kết hợp được cả với những kiến thức về hóa học, sinh học và vật lý nữa thì có lẽ hiệu quả đạt được không kém gì các cơ quan chức năng.

Thứ 5, tuyệt đối không mua thực phẩm mà bạn không rõ thành phần hay nguồn gốc, hoặc bạn có nghi ngờ về thành phần, nguồn gốc: Thôi thì với thời buổi này đành phải áp dụng thà nghi nhầm còn hơn bỏ sót, với lại dù sao khi đã nghi ngờ thì bạn cũng sẽ ăn không thấy ngon rồi.

Đó là một số chia sẻ về khía cạnh pháp lý của thực phẩm sạch – thực phẩm bẩn. Bạn có kinh nghiệm thực tế nào để phân biệt thực phẩm sạch – thực phẩm bấn hay không?